Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023

Chiều ngày 20/4/2023, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hoá có đồng chí Mai Xuân Liêm- Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Năm 2022, các vùng, miền trên cả nước xảy ra 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), trong đó có 7 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông; 258 trận dông, lốc, mưa lớn; 286 trận động đất; 310 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất, 191 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, 2 đợt rét đậm, rét hại, 14 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển và 2 đợt nắng nóng, hạn hán… Thiên tai làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng, con số này cao gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021. Từ đầu năm 2023 đến nay, tiếp tục xảy ra hàng chục trận mưa lớn, dông, lốc, sạt lở bờ sông, động đất… khiến 7 người mất tích; thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

Hội nghị tập trung đánh giá kết quả đạt được, nêu những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cũng như các giải pháp căn cơ, lâu dài trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước, Nhân dân. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như người dân về nội dung này.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần quan tâm đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Phát biểu sau hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm yêu cầu các ngành, địa phương trong tỉnh rà soát, kiện toàn các cấp Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác phòng chống thiên tai.

Các ngành, theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn hiệu quả, kịp thời; phải xây dựng được kế hoạch, kịch bản ứng phó phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và từng tình huống có thể xảy ra. Các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm 4 tại chỗ; quán triệt quan điểm: tính mạng con người là trên hết để luôn chủ động trong các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước, Nhân dân.

Nguồn: thanhhoa.gov.vn.

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VỀ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TỈNH THANH HÓA

Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh, trụ sở: 44C, Đại lộ Lê Lợi, phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa

Văn phòng thường trực Chỉ huy PTDS, ƯPSC, TKCN, trụ sở: Đại lộ Hùng Vương, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa