Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Hà Trung triển khai nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2023

Sáng 19-4, huyện Hà Trung tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) năm 2023.

Trên địa bàn huyện Hà Trung có 89,57 km đê; 22 hồ đập, 54 trạm bơm, 423km kênh chính và nội đồng. Trong năm 2022, địa bàn huyện chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão, 4 đợt mưa lớn, 1 trận lốc, sét kèm theo mưa gây ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến đời sống của Nhân dân. 2.453 hộ/8.421 khẩu ở khu vực bãi sông vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt cần phải sơ tán.

Để đảm bảo công tác phòng chống thiên tai, các ngành, địa phương đã tổ chức kiểm kê, đánh giá số lượng, bổ sung vật tư mới thay thế vật tư hư hỏng; đồng thời đẩy mạnh công tác nạo vét khơi thông dòng chảy, phát quang cây cối, rào dậu trên mặt, mái đê.

Huyện đã xây dựng lực lượng bộ đội địa phương, Dân quân tự vệ, Dự bị động viên để xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống về sự cố thiên tai, thảm hoạ theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động bất ngờ. Thường xuyên duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; kịp thời tổ chức cứu nạn, cứu hộ. Công tác đảm bảo y tế và xử lý môi trường sau thiên tai được đảm bảo.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, trong năm 2023 và những năm tiếp theo thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường. Để chủ động phòng, chống thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động xây dựng phương án theo phương châm “4 tại chỗ”, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn, tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể sảy ra; sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của Nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng, kể cả tình huống sự cố đê điều, hồ đập, xả lũ khẩn cấp. Quản lý chặt chẽ công tác vận hành hồ chứa, nhất là các hồ có nguy cơ cao mất an toàn. Tập trung xây dựng phương án xử lý cho các công trình PCTT&TKCN; xây dựng phương án trọng điểm cho các trọng điểm xung yếu phù hợp với yêu cầu thực tế.

Các ban, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống thiên tai; kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Rà soát, kiện toàn Đội xung kích phòng, chống thiên tại cấp xã để ứng phó thiên tại kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ"; xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, diễn tập về phòng chống, ứng phó thiên tai cấp huyện sát với tình hình thực tế của địa phương, không để bị động, lúng túng trong mọi tình huống. Huy động mọi lực lượng, phương tiện phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, nhu yếu phẩm cần thiết, các lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Nguồn: Báo Thanh Hoá.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VỀ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TỈNH THANH HÓA

Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh, trụ sở: 44C, Đại lộ Lê Lợi, phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa

Văn phòng thường trực Chỉ huy PTDS, ƯPSC, TKCN, trụ sở: Đại lộ Hùng Vương, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa