Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 (17/5/2022)

Sáng ngày 17/5/2022, tại Trụ sở UBND tỉnh, đồng chí Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCH PCTT, TKCN&PTDS tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN&PTDS) năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Dự hội nghị gồm điểm cầu cấp tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan và các điểm cầu cấp huyện, thị xã, thành phố.

Theo báo cáo từ BCH PCTT, TKCN&PTDS, năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 30 trận thiên tai (3 cơn bão, 1 cơn áp thấp nhiệt đới, 8 đợt mưa lớn, 5 trận lốc, sét kèm theo mưa, 4 trận sạt lở đất, 6 đợt nắng nóng; 3 đợt rét đậm, rét hại). Trên đất liền xảy ra 357 vụ tai nạn (trong đó tai nạn giao thông 325 vụ), 78 vụ cháy (trong đó có 7 vụ cháy rừng); trên biển xảy ra 50 vụ tàu thuyền đâm va, chìm và cháy, 02 vụ tràn dầu, 02 vụ đuối nước đặc biệt thương tâm.

Tình hình thiệt hại năm 2021, đối với thiệt hại do thiên tai: Thiên tại đã làm 3 người chết, 1 người bị thương; 39 nhà bị thiệt hại; 4 hộ phải di dời khẩn cấp; 33 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 260 ha lúa, 2 ha mạ, 552 ha hoa màu, rau màu, 590 ha cây trồng hàng năm bị thiệt hại; 9 con gia súc, 55 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; đường giao thông (trên các tuyến Quốc lộ và đường tỉnh) bị sạt lở, sa bồi tại 651 vị trí với khối lượng khoảng 182.610 m, sạt taluy âm tại 44 vị trí với tổng chiều dài 295 m và nhiều tài sản khác. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 66,5 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng BCH PCTT, TKCN&PTDS tỉnh báo cáo tại hội nghị.

Đối với thiệt hại do các sự cố gây ra; trên đất liền có 131 người chết, 274 người bị thương, 1 vụ cháy Công ty may IVORY/Triệu Sơn làm thiệt hại 70 tỷ đồng; cháy 3,5ha rừng. Trên biển có 19 người chết, 3 người mất tích, 5 người bị thương.

Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 02 đợt thiên tai, gây thiệt hại về tài sản và sản xuất cho các huyện miền núi, làm 3 nhà bị thiệt hại, 180 con gia súc bị chết; đã xảy ra 01 vụ đuối nước, làm 05 cháu học sinh chết và 01 vụ tai nạn sạt lở đất đá làm 01 người chết, 01 người bị thương.

Trước những thiệt hại xảy ra; cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết, bị thương do thiên tai, sự cố; huy động lực lượng, phương tiện để giúp nhân dân dọn dẹp, tu sửa nhà cửa bị thiệt hại, hướng dẫn khôi phục diện tích cây trồng bị hư hại, tổ chức khắc phục các sự cố; đồng thời thực hiện thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ để sớm khắc phục hậu quả.

Năm 2021, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã hỗ trợ cho các gia đình có người chết, người bị thương, nhà đổ, nhà hư hỏng, những gia đình bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai với tổng số tiền là 8,54 tỷ đồng. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã hỗ trợ cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn bị rủi ro, tai nan với tổng số tiền là 2,6 tỷ đồng và tiếp nhận hỗ trợ 1.000 áo phao cho ngư dân nghèo, lực lượng kiểm ngư tại các huyện Quảng Xương, Hậu Lộc và TP. Sầm Sơn. Quỹ PCTT tỉnh đã chi 30,4 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương, đơn vị tu sửa các công trình PCTT bị hư hỏng và một số hoạt động PCTT khác.

Dự báo tình hình thiên tai, sự cố trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cổ, thảm hoạ gây ra; báo cáo cũng đưa ra 11 nhóm nhiệm vụ chung cho các cấp, các ngành cần nghiêm túc tổ chức thực hiện. Trong đó có một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm, như: Chuẩn bị các phương án, kịch bản và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu tại các vùng miền, địa phương để triển khai ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, sự cố, thảm hoạ; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm thiểu thiệt hại.

Toàn cảnh hội nghị tại các điểm cầu.

Rà soát, xây dựng, cập nhật, bổ sung, phê duyệt kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai; đặc biệt là phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, phương án hộ đê, phương án PCLB công trình và phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du hồ chứa, phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tàu thuyền hoạt động trên trên sông, trên biển, phương án sơ tán dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai; tổ chức lực lượng, triển khai công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, hậu cần với mức cao nhất và tổ chức diễn tập theo phương án đã lập để sẵn sàng đối phó khi thiên tai xảy ra; kế hoạch hoạt động năm 2022 của BCH PCTT, TKCN&PTDS các cấp…

Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCH PCTT, TKCN&PTDS tỉnh đánh giá cao đối với công tác chuẩn bị của Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS tỉnh; đồng thời, hoan nghênh các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy tỉnh, Lãnh đạo các ngành, các huyện, thị xã, thành phố đã đóng góp ý kiến có trách nhiệm vào báo cáo tổng kết, qua đó công tác PCTT, TKCN&PTDS tỉnh năm 2021 đã đạt được kết quả nổi bật.

Trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương cần nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực nhiệm vụ PCTT năm 2021, đồng thời tập trung triển khai, thực hiện tốt các nội dung sau:

Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi, công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ bão năm 2022. Chuẩn bị các phương án, kịch bản và sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, dự trữ thiết yếu tại các vùng miền, địa phương để triển khai ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, sự cố, thảm họa; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Kiện toàn lại BCH PCTT, TKCN&PTDS sự các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; rà soát quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy; tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

Đồng chí Lê Đức Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCH PCTT, TKCN&PTDS tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai; đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, chú ý các cống tưới tiêu, công trình phòng, chống sạt lở, tiêu thoát nước... Quản lý chặt chẽ công tác vận hành hồ chứa, nhất là các hồ đã xảy ra sự cố, các hồ có nguy cơ cao mất an toàn. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão hoặc có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công. Huy động tối đa nguồn lực xử lý dứt điểm các sự cố, thiên tại lớn trong những năm gần đây; chú trọng công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới đảm bảo sinh kế, bền vững.

Thực hiện nghiêm việc kiểm tra công tác PCTT, công tác chuẩn bị các điều kiện, vật tư ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Giao các đơn vị Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường thời lượng phát sóng về công tác tuyên truyền các vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai, để người dân chủ động ứng phó, di dời.

 

 

Xuân Nghĩa

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VỀ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TỈNH THANH HÓA

Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh, trụ sở: 44C, Đại lộ Lê Lợi, phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa

Văn phòng thường trực Chỉ huy PTDS, ƯPSC, TKCN, trụ sở: Đại lộ Hùng Vương, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa