Sẵn sàng các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Chiều 18/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương ven biển từ Ninh Bình trở vào Bình Định về ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 4.
Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa có lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.
Theo bản tin cập nhật mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đến 10h sáng 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9.
Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, khi di chuyển đến khu vực quần đảo Hoàng Sa, nhiều khả năng áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão. Hướng di chuyển hiện tại của áp thấp nhiệt đới chủ yếu theo hướng Tây, sau khi mạnh lên thành bão sẽ đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và hướng về đất liền các tỉnh miền Trung.
Từ sáng 19/9, vùng gió mạnh sẽ mở rộng tới khu vực biển Trung Bộ, trọng tâm là khu vực từ Hà Tĩnh trở vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, với gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9. Sóng biển ở các khu vực này sẽ cao từ 2-4m, vùng gần tâm bão cao từ 3-5m.
Về dự báo mưa, do tác động của dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Trung Bộ, kết hợp với hoàn lưu phía trước của cơn áp thấp nhiệt đới hiện tại, trong đêm qua và sáng sớm nay, ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ đã có mưa to với lượng mưa phổ biến từ 30-70mm, một số nơi có mưa trên 100mm. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo trong hôm nay đến sáng ngày 20/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ sẽ xảy ra đợt mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 300mm.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo tình hình triển khai phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4.
Thực hiện Công điện số 97/CĐ-TTg, ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, tỉnh Thanh Hoá đã kịp thời ban hành 2 công điện chỉ đạo cũng như triển khai công tác ứng phó đến các cấp, các ngành, các địa phương. Trong đó, chỉ đạo các địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của áp thấp nhiệt đới. Các huyện, thành phố rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế; kiểm tra các công trình bị ảnh hưởng của bão số 3, chủ động bố trí vật tư, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, tính đến 9 giờ ngày 18/9, toàn tỉnh có 6.117 phương tiện, 19.968 lao động nghề biển, đã có 5.256 phương tiện, với 13.987 lao động đã neo đậu tại bến an toàn; hiện còn 861 phương tiện với 5.981 lao động đang hoạt động trên các vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng và tỉnh Thanh Hoá.
Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, 100% phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về bão và thường xuyên liên lạc với gia đình và các cơ quan chức năng. Hiện, lực lượng Bộ đội Biên phòng đang tích cực kêu gọi các phương tiện nhanh chóng vào các nơi tránh trú an toàn.
Kết luận hội nghị, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhấn mạnh: Diễn biến của áp thấp nhiệt đới này còn rất phức tạp, có khả năng mạnh lên thành bão, đặc biệt là nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra. Vì vậy, yêu cầu các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thường xuyên cập nhật thông tin để chủ động chỉ đạo triển khai các phương án ứng phó phù hợp; có các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, ven biển.
Đặc biệt, cần rà soát tình trạng ngập lụt (trong đó có ngập lụt đô thị) và có phương án sơ tán dân; khẩn trương thu hoạch lúa đã chín, thủy sản đã đạt kích cỡ thương phẩm; bảo đảm an toàn hồ, đập, các công trình thủy điện và tuân thủ nghiêm quy trình vận hành. Các địa phương cần chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Ngay sau hội nghị trục tuyến, phát biểu với các sở, ban ngành, địa phương tại điểm cầu Thanh Hóa về các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 4, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường đề nghị tập trung vào một số nội dung, như: Đề nghị hỗ trợ người dân khẩn trương thu hoạch diện tích rau màu, thủy sản, lúa mùa đã đến kỳ thu hoạch đặc biệt là khu vực cửa sông, ven biển, khu vực trũng thấp theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản, nhà xưởng, hạ tầng trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; triệt để tiêu nước, chủ động vận hành các trạm bơm tiêu khi có yêu cầu; chủ động các phương án không để bị chia cắt về giao thông, mất liên lạc thông tin.
Tỉnh Thanh Hóa dự kiến sẽ nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển vào thời điểm thích hợp theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới nhằm bảo đảm an toàn cũng như sinh kế của người dân
Nguồn: Báo Thanh Hoá.