Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 3 tại các địa phương trong tỉnh

Ngày 12/9, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra thiệt hại, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3, bảo vệ và khôi phục sản xuất trên địa bàn các huyện Thường Xuân, Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Hà Trung.

Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các ngành có liên quan của tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Tại huyện Thường Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra việc tích nước hồ Cửa Đạt, sạt lở tuyến đường tả ngạn đập Cửa Đạt và Trạm Kiểm lâm Sông Khao (ven hồ Cửa Đạt); kiểm tra tình hình sạt lở trên tuyến Đường tỉnh 519 đoạn qua thị trấn Thường Xuân; kiểm tra sạt lở bờ sông Âm và tình hình ngập lụt tại xã Ngọc Phụng và một số diện tích lúa bị đổ rạp do bão số 3. Từ ngày 6-12/9, trên địa bàn huyện Thường Xuân xảy ra mưa kèm theo dông lốc đã làm hư hại 4 ngôi nhà ở các xã Ngọc Phụng, Yên Nhân, Xuân Lộc. Mưa lũ làm sạt lở 3 đoạn bờ sông Âm đoạn xã Ngọc Phụng với chiều dài 1.000m; sạt lở Đường tỉnh 519 với khối lượng 200m3; diện tích lúa bị đổ, ngập úng khoảng 69,4ha.

Qua kiểm tra việc tích nước hồ Cửa Đạt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nhấn mạnh, hiện mực nước hồ Cửa Đạt cao hơn năm ngoái hơn 9m. Vì vậy, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 3 chủ động kịch bản ứng phó với mưa lớn để ứng phó, vận hành an toàn công trình. Sẵn sàng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ chứa nước Cửa Đạt theo phương án đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt. Bố trí nhân lực thường trực 24/24h để vận hành và bảo vệ an toàn công trình. Ban Quản lý thường xuyên thông tin với các địa phương trên địa bàn công trình hồ Cửa Đạt và kênh chính đi qua để phối hợp ứng phó với thiên tai, mưa lớn, đồng thời nâng cao cảnh giác cho Nhân dân trước các diễn biến của thời tiết. Thực hiện chế độ báo cáo về UBND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời khi mực nước lên cao.

Đối với sạt lở bờ sông Âm, huyện Thường Xuân cắm biển cảnh báo với phạm vi 500m đến 1km, cử người canh gác hai đầu và không cho người dân, gia súc đi qua khu vực này. Đối với sản xuất nông nghiệp, huyện Thường Xuân cần huy động lực lượng giúp dân dựng lại diện tích lúa bị đổ ngã và có biện pháp bảo vệ sản xuất, nuôi trồng thủy sản cho Nhân dân.

Tại huyện Bá Thước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cùng đoàn công tác đã đến xã Lương Trung kiểm tra sạt lở suối Cái, thôn Quang Trung; kiểm tra tình hình đời sống của các hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở thôn Bồng, xã Lũng Niêm. Từ ngày 6-12/9, trên địa bàn huyện Bá Thước xảy ra mưa kèm theo dông lốc, gây ảnh hưởng và làm thiệt hại về nhà ở, đường giao thông, công trình thủy lợi và cây trồng. Huyện đã tổ chức sơ tán 152 hộ/635 khẩu đến nơi ở an toàn; mưa lũ làm 414,06ha lúa, 38,95ha hoa màu, 302,01ha cây hàng năm và các loại cây khác bị gãy đổ. Sụt lún 35m đường giao thông thôn Đôn, xã Thành Lâm; sạt lở đất taluy dương tại Quốc lộ 521C đoạn qua xã Thành Sơn, đoạn qua thôn Leo xã Thành Lâm. Hư hỏng đường giao thông Giàu Cả đi Cốc Cao, xã Lương Ngoại (mặt đường bị lũng khoảng 100m2, hỏng rãnh thoát nước). Hư hỏng mặt đường, sụt lún nền và sạt lở đất đường giao thông lên thôn Muốn, xã Điền Quang (chiều dài mặt đường bị hư hỏng 125m, rãnh thoát nước bị đất lấp 75m). Sạt lở đường giao nông thôn thôn Trần, thôn Khai, xã Lương Nội dài trên 100m, khối lượng đất sạt trượt khoảng 100m3...

Qua kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang yêu cầu huyện Bá Thước tiếp tục theo dõi diễn biến của các điểm sạt lở để có biện pháp khắc phục; quan tâm đời sống các hộ dân nơi sơ tán. Đối với sạt lở suối Cái, thôn Quang Trung, xã Lương Trung - nếu tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, huyện Bá Thước ban bố tình huống khẩn cấp. Đồng thời, cảnh báo người dân không qua lại khu vực sạt lở.

Tại huyện Cẩm Thủy, kiểm tra hiện trường đập tràn Song Nga, xã Cẩm Ngọc - nơi xảy ra tai nạn khiến 1 nạn nhân tử vong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã yêu cầu các cấp chính quyền huyện Cẩm Thuỷ thực hiện lắp biển cảnh báo khu vực này, không cho người và phương tiện qua lại. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình mưa lũ để cảnh bảo, hướng dẫn người dân khi lưu thông, di chuyển, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra trên địa bàn huyện.

Tại huyện Vĩnh Lộc, mưa to nên nước sông Bưởi luôn ở mức cao (Báo động II) đã ảnh hưởng đến một số hộ dân và diện tích sản xuất nông nghiệp ngoại đê. Hiện còn hơn 100ha lúa vụ mùa bị ngập trong nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác chống ngập úng cánh đồng lúa mùa của xã Vĩnh Hưng. Qua kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Vĩnh Lộc tập trung khơi thông dòng chảy, mở hết cửa cống tiêu thoát nước cho lúa. Đồng thời cử nhân lực trực 24/24 giờ các cống tiêu phòng khi nước sông Bưởi dâng lên tràn vào cánh đồng lúa. Khi nước rút, huyện triển khai công tác làm thủy lợi, phát quang bụi rậm cản trở dòng chảy, khơi thông hệ thống kênh mương tiêu thoát lũ.

Tại huyện Hà Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình nước kênh Chiếu Bạch dâng cao, gây ngập cục bộ tại một số điểm trên tuyến Quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Hà Bình (Hà Trung). Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với huyện Hà Trung, tổ chức trực, theo dõi chặt chẽ mực nước các sông, kiểm tra, xử lý các điểm ách tắc dòng chảy, vận hành tối đã các cống tiêu, trạm bơm tiêu để nhanh chóng tiêu thoát giảm ngập lụt cho khu vực, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 1A. Theo dõi chặt chẽ và xử lý kịp thời các sự cố về đê điều, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Nhân dân.

Chỉ đạo chung các địa phương, Phó Chủ tịch UBND Lê Đức Giang đánh giá cao công tác chủ động của các địa phương trong việc ứng phó và khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cũng phê bình UBND huyện Cẩm Thủy không tuân thủ và thực hiện các công điện chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống thiên tai, đã để xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nhấn mạnh, thời tiết còn diễn biến phức tạp, các huyện còn nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao. Do vậy, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời tổ chức sơ tán người, tài sản của Nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét. Đồng thời, cử lực lượng chốt chặn tại điểm sạt lở nguy hiểm trên các tuyến giao thông, tại các ngầm tràn nước to, chảy xiết nguy hiểm, đặt biển cảnh báo 2 đầu để người dân biết, thực hiện, chặn chốt bằng barie, cấm người và phương tiện đi qua khi chưa đảm bảo an toàn. Sở Giao thông - Vận tải và các địa phương tiếp tục huy động máy móc, phương tiện, nhân lực xử lý số lượng đất, đá sạt trượt tại các điểm sạt lở trên các tuyến giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt.

Đối với nhà ở của người dân bị hư hại, huy động tối đa các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” tổ chức khắc phục nhanh chóng, sớm ổn định đời sống cho người dân. Cùng với đó, các địa phương chủ động thông tin, tuyên truyền, cảnh báo điểm xung yếu, thực hiện nghiêm nội dung các Công điện của UBND tỉnh về việc chủ động triển khai công tác phòng, chống sạt lở, lũ ống, lũ quét đến từng xã, thôn, bản và người dân nhằm chủ động, sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai bất thường.

Nguồn: Báo Thanh Hóa.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VỀ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TỈNH THANH HÓA

Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh, trụ sở: 44C, Đại lộ Lê Lợi, phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa

Văn phòng thường trực Chỉ huy PTDS, ƯPSC, TKCN, trụ sở: Đại lộ Hùng Vương, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa