Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phòng chống thiên tai
Biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong phòng, chống thiên tai là việc làm cần thiết và cấp bách để tránh bị động trong mọi tình huống. Tại tỉnh Thanh Hóa, các đơn vị, địa phương đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành, ứng phó cũng như khắc phục hậu quả thiên tai.
Hồ Cửa Đạt, huyện Thường Xuân có nhiệm vụ giảm lũ, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nước sinh hoạt, tạo nguồn nước tưới cho gần 87.000 ha đất canh tác. Thời gian gần đây, đơn vị quản lý hồ Cửa Đạt đã đầu tư các hệ thống thu thập thông tin, quan trắc, đo đạc tự động cũng như các phần mềm quản lý và điều khiển vận hành chuyên dụng để phục vụ tốt công tác quản lý vận hành hồ. Đơn vị quản lý cũng đã xây dựng kho dữ liệu để đánh giá, kiểm soát nguồn nước, tình hình công trình. Với việc ứng dụng hệ thống giám sát từ xa nên cơ quan quản lý có thể qua máy tính, điện thoại hoặc các trang web quản lý chuyên ngành, để theo dõi tình hình công trình, có phương án ứng phó trong trường hợp xảy ra tình huống bất thường.
Thanh Hóa là tỉnh có 610 hồ chứa, đứng thứ 2 cả nước. Hiện nay, 11 hồ thủy điện thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã và các hồ thủy lợi lớn đã được lắp đặt hệ thống camera giám sát theo dõi mực nước, hiện trạng công trình và truyền hình ảnh thực tế theo thời gian thực về Văn phòng thường trực chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong mùa mưa lũ. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã xây dựng "Bộ công cụ tính toán hỗ trợ tham mưu chỉ đạo, điều hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã", với phần mềm số hóa các dữ liệu đầu vào, tính toán các kịch bản và đưa ra phương án vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã đúng quy trình đã được phê duyệt.
Được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai miền Trung, Thanh Hóa đã lắp đặt 193 trạm đo mưa tự động, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi. Các trạm đo mưa này tự động báo số liệu mưa, thời gian mưa và cập nhật số liệu lên trang web của Tổng cục Khí tượng thủy văn. Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các huyện miền núi...Từ khi đi vào hoạt động đến nay, các trạm đo mưa tự động đã cung cấp số liệu kịp thời, phản ánh chính xác diễn biến, cường độ mưa của từng khu vực trên địa bàn tỉnh, phục vụ đắc lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó thiên tai. Đồng thời, các website liên tục cập nhật lượng mưa theo thời gian thực giúp công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên hiệu quả hơn. Các website đều được tích hợp các tính năng số hóa, lưu trữ để tạo thành bộ cơ sở dữ liệu trong công tác phòng chống thiên tai.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã đưa vào sử dụng cổng thông tin điện tử, đăng tải kịp thời các thông tin về thời tiết, thiên tai, công tác chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, số hóa cơ sở dữ liệu về phòng chống thiên tai để các ngành, các cấp và người dân khai thác, sử dụng. Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng trang Facebook, Zalo "phòng chống thiên tai", kết nối với Cổng thông tin điện tử về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thường xuyên theo dõi, cập nhật, chia sẻ các thông tin về thời tiết, tình huống thiên tai xảy ra để cấp ủy, chính quyền kịp thời đưa ra phương án chỉ đạo, ứng phó sát với thực tế, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đặc biệt, việc kết nối phòng họp trực tuyến của Ban Chỉ huy Phòng, chống tiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, các huyện, thị để tổ chức các cuộc họp trực tuyến khẩn khi có thiên tai, bão lụt xảy ra đã góp phần thông tin nhanh chóng kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo.
Việc chuyển đổi số trong cảnh báo sớm thông tin phòng chống thiên tai sẽ góp phần giúp thực hiện phương châm "4 tại chỗ" tốt hơn, giúp các địa phương xây dựng sớm kịch bản phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thiên tai. Tuy nhiên để chuyển đổi số phát huy hiệu quả hơn trong phòng chống thiên tai, tỉnh cần quan tâm dành nguồn lực hoàn thiện việc số hóa hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn, trang bị các phần mềm dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị số hóa thiết yếu nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai, chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.